Học ngay 2 cách làm bánh dày ngon tại nhà mà ai cũng làm được

0
226

Bánh dày là món ăn truyền thống của người Việt, chắc chắn bạn sẽ không thể không biết đến món ăn truyền thống này. Cho đến nay, bánh dày vẫn giữ được nét đặc trưng riêng nhưng được biến tấu thành nhiều công thức khác nhau, làm phong phú thêm hương vị. Cùng học 2 cách làm bánh dày dẻo thơm, nhân đậu xanh ngon ngất ngây tại nhà theo hướng dẫn dưới đây nhé!

1. Cách làm bánh dày truyền thống bằng bột nếp

Bánh dày truyền thống được làm từ bột gạo và bột nếp trộn với nhau rồi nhào nặn kỹ. Dưới đây là hướng dẫn cách thực hiện:

Nguyên liệu làm bánh dày

Bánh dày dẻo thơm làm không quá khó, các mẹ thực hiện thành công ngay lần đầu tiên. Nhưng trước hết bạn hãy chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu dưới đây:

  • Bột nếp: 200g;
  • Đậu xanh: 150g;
  • Đường: 70g;
  • Nước nóng: 180ml;
  • Vừng trắng: 10 – 15g;
  • Muối: 2g;
  • Dầu ăn;

Nguyên liệu làm bánh dày nhân đậu xanh vừng

Nguyên liệu làm bánh dày nhân đậu xanh vừng

Chi tiết cách làm bánh dày truyền thống dẻo ngon

Để làm món bánh dày truyền thống nhân đậu xanh vừng dẻo ngon chuẩn như ngoài hàng, chị em thực hiện theo hướng dẫn được chia sẻ dưới đây:

Nhân bánh dày

Bước 1. Đậu xanh chọn loại đã bóc vỏ, mang đi rửa sạch và ngâm cho nở mềm với nước trong thời gian 1h đồng hồ.

Bước 2. Sau đó bạn rửa đậu lại một lần nữa, cho vào xửng hấp (hoặc luộc chín). Đậu chín mềm sau thời gian 10 phút.

Bước 3. Chia đậu thành 3 phần, 1 phần cho vào trong tô, 2 phần còn lại cho vào chảo chống dính, tán nhuyễn rồi thêm 70g đường (Tăng giảm lượng đường tùy theo sở thích).

Bước 4. Bắt chảo lên bếp, đun cho đường tan chảy đồng thời đảo đều rồi cho 1 muỗng canh dầu ăn và khuấy đều. Nếu muốn nhân béo và thơm hơn có thể cho thêm nước cốt dừa trong quá trình sên nhân đậu xanh.

Sên đậu xanh cho đến khi tạo thành khối, không dính chảo

Sên đậu xanh cho đến khi tạo thành khối, không dính chảo

Bước 5. Sên cho đến khi nhân sệt lại, không dính chảo thì cho vào 15g vừng trắng, trộn đều cho vừng hòa vào nhân. Khi nhân đậu xanh thành khối, không dính chảo là đạt.

Bước 6. Cho nhân ra bát, để cho nguội bớt thì chia thành 8 phần bằng nhau, vo tròn. Nên thoa một chút dầu ăn vào găng tay để vê nhân dễ dàng hơn.

Bước 7. Dùng màng thực phẩm bọc nhân để nhân không bị khô.

Phần vỏ bánh

  • 200g bột gạo nếp (Chọn loại bột nếp lọc) + 2g muối + 1 muỗng canh dầu ăn và trộn đều.
  • Thêm 180ml nước ấm nóng (50 – 60 độ C) và cho từ từ vào bột rồi trộn đều.
  • Sau đó, bạn dùng tay nhào cho bột gom thành khối mịn dẻo, không dính tay là đạt.
  • Chia bột thành các phần nhỏ, vo tròn và ấn dẹp bột. Thực hiện cho đến khi hết khối bột.
  • Đậy kín cho bột không bị khô.
  • Trong quá trình nhào bột, đun trước một nồi nước sôi. Khi nước đã sôi thì thả bột vào nồi để luộc chín. Thời gian luộc khoảng 15 phút.
  • Cho bột ra âu inox có thoa một lớp dầu ăn xung quanh.
  • Bạn dùng chày giã bột (10 – 15 phút) cho đến khi tạo thành khối dẻo quánh. Sử dụng chày bằng inox sẽ dễ giã bột hơn so với chày bằng gỗ vì bột nếp không dính chặt. Nếu chày gỗ quá dính bạn hãy thoa một lớp dầu lên chày rồi tiếp tục giã.

Pha bột làm vỏ bánh dày

Pha bột làm vỏ bánh dày

Tạo hình bánh dày

  • 1/3 đậu xanh luộc chín bạn giã cho đậu tơi ra, không cần quá mịn.
  • Thoa một ít dầu ăn lên găng tay để bột không dính khi thao tác. Bạn chia bột thành 8 phần.
  • Lấy từng phần bột ấn mỏng dẹt và cho cục nhân vào giữa, gói bánh thành hình tròn rồi ấn dẹp.
  • Sau đó, bạn lăn qua đậu xanh đã giã sao cho lớp đậu xanh áo xung quanh vỏ bánh.
  • Thực hiện cho đến khi hết bột và nhân.

Tạo hình bánh dày

Tạo hình bánh dày

Thành phẩm

Bánh dày thành phẩm mềm, phủ bên ngoài lớp đậu xanh, đầy ắp nhân bên trong. Vỏ bánh mềm dẻo vị hơi mặn hòa quyện với nhân đậu xanh béo, bùi và thơm của vừng vô cùng ngon mà không hề ngán.

Bánh dày nhân đậu xanh bảo quản ở nhiệt độ phòng khoảng 2 ngày. Trong trường hợp ăn không hết bạn nên cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Khi ăn cho vào lò vi sóng hấp khoảng 30s để bánh nóng là đã có thể dùng.

Bánh dày thành phẩm áo một lớp đậu xanh bên ngoài

Bánh dày thành phẩm áo một lớp đậu xanh bên ngoài

2. Cách làm bánh dày từ xôi

Bánh dày làm từ xôi cũng vô cùng dẻo và thơm ngon chẳng kém làm từ bột nếp. Nếu còn xôi thừa, chị em có thể thử biến tấu làm món bánh dày theo hướng dẫn chi tiết sau đây:

Chuẩn bị nguyên liệu

Trước hết chị em hãy chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu dưới đây. Tùy vào nhu cầu sử dụng của gia đình mà bạn cân nhắc nguyên liệu cho phù hợp nhé.

  • Gạo nếp: 500g;
  • Đậu xanh xát vỏ: ½ chén ăn cơm;
  • Gia vị: Muối, đường, dầu ăn;
  • Lá chuối;
  • Chày, cối;
  • Vừng: 100g;

Nguyên liệu làm bánh dày từ xôi cực đơn giản

Nguyên liệu làm bánh dày từ xôi cực đơn giản

Cách làm bánh dày từ xôi

Để làm bánh dày từ xôi, bạn thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1. Sơ chế gạo nếp và đậu xanh

Muốn làm bánh dày từ xôi ngon thì gạo nếp là loại thích hợp hơn so với các loại gạo khác. Bạn chọn mua loại gạo ngon, chất lượng và vo sạch. Sau đó, ngâm trong nước lạnh có pha một ít muối để qua đêm (6 – 8 tiếng). Gạo ngâm đủ thời gian mềm, đổ ra rổ để ráo trước khi nấu xôi.

Đậu xanh đã xát vỏ chọn loại đậu ngon, ngâm trước 30 phút với nước ấm để đậu mềm hơn rồi mới đi hấp. Rửa sạch, vớt đậu ra rổ và để ráo.

Ngâm đậu xanh vào gạo nếp 

Ngâm đậu xanh vào gạo nếp 

Bước 2. Làm vỏ bánh dày từ xôi

Gạo nếp cho vào xửng hấp ở lửa vừa phải. Khi hấp được khoảng 10 phút, mở nắp vung và thêm một ít dầu ăn lên bề mặt gạo nếp, đảo đều để gạo nếp thấm dầu ăn. Đậy vung lại và hấp cho đến khi xôi chín, mềm và dẻo là được.

Giã ngay xôi vừa chín tới

Giã ngay xôi vừa chín tới

Xôi vừa chín nóng thì bạn cho ngay vào cối, dùng chày giã nhuyễn cho đến khi xôi thành khối mịn như bột gạo nếp là được. Công đoạn này cần nhiều thời gian, bạn giã càng nhuyễn thì vỏ bánh mới ngon, không bị gợn. Lưu ý phết một ít dầu ăn lên cối và chày để giã xôi dễ hơn, không bị dính quá nhiều vào chày và cối.

Cho xôi đã giã nhuyễn dẻo ra ngoài, nhào lại bằng tay một lần nữa cho kỹ để loại bỏ hoàn toàn phần xôi còn gợn. Chú ý rưới thêm dầu ăn lên tay và xôi để không bị dính. Khi bột đã mềm dẻo, đạt yêu cầu thì vắt bột thành những phần nhỏ, kích thước tương đương nhau.

Bước 3. Làm nhân đậu xanh

Đậu xanh cho vào nồi hấp hoặc luộc chín. Nếu bạn luộc hãy cho nước xâm xấp mặt đậu. Hấp đậu trong thời gian từ 10 – 15 phút là đậu chín.

Khi đó, bạn cho đậu ra cối và dùng chày giã mín hoặc xay nhuyễn với máy xay sinh tố hoặc dùng muỗng to tán nhuyễn.

Sau đó, bạn bắt chảo lên bếp, cho phần đậu xanh vào chảo, thêm một ít đường và ⅓ muỗng cafe muối rồi trộn đều. Bạn sên cho đến khi nhân đậu xanh tạo thành khối đặc, không dính chảo là đạt.

Sên nhân đậu xanh thì khối dẻo, đặc và không dính chảo

Sên nhân đậu xanh thì khối dẻo, đặc và không dính chảo

Đợi nhân nguội thì chia thành các phần đều nhau, vo thành những viên tròn sao cho vừa với phần bột bánh dày đã chia trước đó.

Lưu ý: Viên nhân đậu xanh phải đảm bảo không quá bở cũng như không quá đặc, có độ mềm và dẻo. Nhớ thoa một lớp dầu ăn lên tay để viên đậu không dính tay, thao tác dễ dàng hơn.

Bước 4. Nặn bánh dày

Đối với phần bột bánh dày đã chia bạn vo thành những viên tròn, ấn dẹt, mỏng rồi cho nhân đậu xanh vào chính giữa.

Khéo léo dùng tay túm phần rìa ngoài xung quanh nhân bánh lại với nhau sao cho bọc kín được nhân bánh. Vo tròn lại và đảm bảo không nhìn thấy chỗ nào trên bánh hở ra là được.

Ấn dẹt bánh dày một lần nữa với hình dạng tương tự như bánh mua ngoài hàng và đặt lên lá chuối đã rửa sạch, cắt hình vuông.

Lặp lại thao tác trên cho đến khi nào hết bột và nhân đậu xanh. Thao tác nặn bánh dày tương tự như cách làm bánh dày truyền thống bằng bột nếp ở trên.

Bước 5. Thưởng thức

Vừng bạn rang chín, giã nhuyễn và thêm một ít muối. Có thể chừa lại một ít để rắc lên vỏ bánh nhằm trang trí để bánh bớt đơn điệu, bắt mắt và hấp dẫn hơn.

Xếp bánh lên đĩa, ăn kèm với mè rang rất ngon. Vỏ bánh dẻo mịn cùng với nhân đậu xanh béo bùi và vị béo của mè rang khó lòng mà cưỡng lại.

Trang trí và hoàn thành món bánh dày từ xôi

Trang trí và hoàn thành món bánh dày từ xôi

Một số lưu ý cần nhớ khi làm bánh dày

  • Bước làm bột bánh đóng một vai trò vô cùng quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến độ dẻo, mềm dai của bánh. Vì vậy, hãy nhào bột thật kỹ càng lâu thì bánh càng mịn, càng dính và càng dẻo.
  • Trong quá trình hấp nên canh khoảng 5 phút thì xả hơi 1 lần để bánh dày không bị nhão.
  • Bánh dày đậu xanh khi lăn qua đậu xanh nên thực hiện khi bánh vẫn còn nóng lúc này đậu xanh sẽ dính và vỏ bánh nhiều hơn.
  • Thoa một lớp dầu ăn mỏng lên bề mặt bánh dày sẽ tạo độ mềm và giúp bánh không bị khô.
  • Bạn có thể sắp xếp bánh chồng lên nhau khi hấp hoặc xen kẽ bằng lá chuối để tiết kiệm tối đa diện tích nồi nhưng đảm bảo bánh không bị ướt.
  • Bảo quản bánh dày ở nhiệt độ thường khoảng 2 ngày. Bánh để trong tủ lạnh có thể dùng trong nhiều ngày và chỉ cần làm nóng với lò vi sóng khoảng 30 giây là được.

Như vậy là chúng ta vừa hoàn thành 2 cách làm bánh dày nhân đậu xanh dẻo thơm ngon như ngoài hàng rồi đấy. Với công thức thức chia sẻ từ bài viết, chị em chắc chắn sẽ thực hiện thành công món bánh truyền thống ngay từ lần đầu. Chần chừ gì nữa mà không vào bếp trổ tài nấu nướng ngay đi nào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây