Gợi nhớ tuổi thơ với cách làm bánh đúc lạc không cần vôi

0
448

Bánh đúc có nhiều loại khác nhau, đặc trưng theo từng vùng miền nhưng nhìn chung mỗi loại bánh đều khiến người thưởng thức ăn một lần là nhớ mãi. Giờ đây, bạn hoàn toàn có thể tự tay làm món bánh gây thương nhớ này theo hướng dẫn cách làm bánh đúc lạc không cần vôi được chia sẻ dưới đây. 

Nguyên liệu làm bánh đúc không cần vôi

Bánh đúc lạc dùng vôi tôi là cách làm truyền thống để giúp bột bánh dai, giòn hơn. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể làm bánh đúc lạc ngon chuẩn mà không cần sử dụng vôi. Dưới đây là các nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • Bột năng: 50g;
  • Bột gạo: 200g;
  • Nước: 500ml;
  • Lạc: 100g;
  • Dầu ăn;

Lưu ý: Bạn hoàn toàn có thể thay thế bột năng bằng bột khoai tây với công thức là 125g bột khoai tây và 125g bột gạo. Có thêm bột khoai tây hay bột năng sẽ giúp bánh đúc lạc dai và ngon hơn.

Nguyên liệu làm bánh đúc lạc không cần vôi đơn giản

Nguyên liệu làm bánh đúc lạc không cần vôi đơn giản

Các bước làm bánh đúc lạc không cần vôi

Bánh đúc lạc không quá xa lạ với nhiều người. Công thức làm bánh thường là bột gạo trộn với nước vôi. Thế nhưng vôi tôi lại không tốt cho sức khỏe nên dưới đây, bài viết sẽ hướng dẫn bạn các bước làm bánh đúc lạc không dùng vôi ngon chuẩn:

Bước 1. Bạn cho bột năng + bột gạo lọc và âu lớn. Sau đó, bạn trộn đều rồi thêm 500ml nước lọc. Khuấy cho đến khi hỗn hợp bột hòa lẫn hoàn toàn với nhau, để bột nghỉ trong 30 phút.

Bước 2. Lạc bạn ngâm qua đêm cho mềm rồi sau đó rửa sạch. Rồi cho vào nồi nước sôi luộc trong 2 phút rồi bỏ phần nước luộc đi, thêm 500ml nước lọc khác vào cùng 1 thìa cafe muối. Nấu cho đến khi lạc chín mềm thì vớt ra tô.

Luộc mềm đậu lạc

Luộc mềm đậu lạc

Bước 3. Bạn đổ từ từ phần nước luộc lạc còn nóng vào hỗn hợp bột đồng thời khuấy đều. Sau đó, đổ phần bột này vào nồi sâu lòng và đem nấu trên bếp.

Bước 4. Đây là công đoạn khuấy bột. Bắt đầu bạn khuấy bột liên tục ở lửa trung bình cho đến khi thấy hơi nước bốc lên, bột hơi dính đáy thì hạ lửa nhỏ. Khuấy liên tục để bột không bị cháy xém phần đáy.

Càng khuấy bột sẽ đặc dần, khuấy khá nặng tay nhưng bạn không được dừng lại vì như vậy bột sẽ bị cháy. Liên tục khuấy cho đến khi bột đặc, mịn và thật nóng thì bạn tăng nhiệt lên mức trung bình và tiếp tục khuấy.

Lúc này, bạn dùng đũa khuấy đều liên tục cho đến khi bột mịn hoàn toàn, không còn lợn cợn, dẻo và trong hơn là được. Vì mức nhiệt lớn mà bột đặc nên phần đáy nồi sẽ có một lớp bột bị cháy là bình thường nhé.

Quấy cho bột chín, dẻo trong 

Quấy cho bột chín, dẻo trong 

Bước 5. Bạn cho vào 1 thìa canh dầu ăn và khuấy cho đều. Dầu ăn sẽ giúp phần vỏ bánh được mềm, mượt và ăn ngon hơn. Tiếp tục khuấy đều trên lửa cho đến khi bột trong, dẻo, đặc và sôi lên là được.

Bước 6. Cho phần lạc đã luộc chín vào bột và trộn đều. Nếu có máy đánh trứng bạn có thể dùng nó để trộn lại 1 lượt cho đều. Tắt bếp.

Thêm lạc vào bột tiếp tục quấy 

Thêm lạc vào bột tiếp tục quấy 

Ngoài ra, bạn có thể cho lạc vào lúc bột còn sống để quấy cùng bột cũng được. Ở đây bài viết cho vào đoạn cuối cùng khi bột đã chín, dẻo và trong. Bạn có thể lựa chọn cách quấy bột tùy thích. Nhìn chung cách nào cũng tạo nên món bánh đúc ngon.

Bước 7. Chuẩn bị sẵn lá chuối, mâm có thoa dầu để đổ bánh đúc. Khi bột đã đạt yêu cầu bạn đổ ngay phần bột còn nóng này vào mặt phẳng rộng. Dùng phới dẹt dàn bột mỏng, độ dày khoảng 1 – 1.5cm. Bột khuấy đạt yêu cầu là khi dàn mỏng đặc, không chảy lỏng.

Bước 8. Để bánh đúc lạc nguội rồi cắt thành miếng vừa ăn là đã có thể thưởng thức rồi đấy. Món này ăn kèm với nước chấm tương bần hoặc mắm tôm đều vô cùng thích hợp. Nước chấm tương bần cần được pha loãng với 1 ít nước, đường và cốt chanh. Còn mắm tôm bạn cho một ít ra chén, thêm đường, ớt và ít nước cốt chanh theo khẩu vị vừa ăn là được.

Thưởng thức bánh đúc với mắm tôm hoặc tương bần

Thưởng thức bánh đúc với mắm tôm hoặc tương bần

Yêu cầu thành phẩm

Bánh đúc nóng sau khi hoàn thành phải độ trắng ngà, bột bánh mịn màng, thơm lừng hòa quyện hoàn hảo của phần nhân. Khi trình bày bạn có thể điểm thêm một ít hành phi ăn kèm nước chấm tạo nên một món bánh mà khó có ai chối từ được.

Lưu ý khi làm bánh đúc lạc không cần vôi

  • Công đoạn ngâm bột và thay nước có tác dụng giúp bột được mềm hơn và xóa bỏ đi mùi bột khô. Tuy nhiên, nếu được thay thế bằng bột xay từ gạo thì bước này có thể bỏ qua nhé.
  • Những chiếc bánh đúc mềm, dẻo và dai có lượng bột năng lớn hơn. Nhưng khi tỷ lệ bột gạo cao thì bánh càng cứng và giòn. Bánh quá cứng và khô thì bạn chỉ cần giảm bớt lượng nước lại là được.
  • Nếu bột quá đặc thì chỉ cần điều chỉnh ngọn lửa nhỏ lại là được.
  • Sử dụng phới lồng là lựa chọn dụng cụ khuấy bột tốt nhất giúp bột bánh đúc mịn, mềm hơn.
  • Nếu bánh đúc sau khi chế biến mà dùng không hết bạn chỉ cần cho bánh vào hộp, đậy kín nắp và cho vào ngăn mát của tủ lạnh. Khi thưởng thức, chỉ cần hâm nóng lại trong lò vi sóng là được.

Bánh đúc lạc ăn kèm với hai loại nước chấm đậm đà, béo và bùi của lạc rất ngon. Như vậy là chúng ta đã hoàn thành cách làm bánh đúc lạc không cần vôi rồi đấy. Chúc chị em thành công với chia sẻ từ bài viết nhé!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây