Vào bếp cùng làm bánh đúc mặn ngon hết sẩy với đầu bếp nổi tiếng

0
265

Bánh đúc mặn là món ăn dân dã miền quê mà bất kỳ ai thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi. Với những người con xa quê, bánh đúc mặn còn là món ăn gợi nhớ hương vị quê hương. Nếu bạn đang nhớ da diết mùi vị bánh quê nhà hãy cùng vào bếp học cách làm bánh đúc mặn đơn giản nhất theo hướng dẫn sau đây. 

Nguyên liệu làm bánh đúc mặn

Bánh đúc mặn với bánh thơm mùi bột gạo, dẻo nhưng giòn hòa quyện với phần nhân bánh mặn ăn cực kỳ ngon, gây thương nhớ. Để làm món bánh đúc này, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu dưới đây:

Phần bột bánh

  • Bột gạo lọc: 250g bột gạo;
  • Bột năng: 50g;
  • Đường: 7g;
  • Muối: 3g;
  • Nước cốt dừa: 1 lít nước;

Phân nhân bánh

  • Củ sắn: 150g;
  • Cà rốt: 50g;
  • Hành lá: vài cọng;
  • Tôm khô: 50g;

Làm nước cốt dừa: Với 300g dừa nạo bạn cho 500ml nước nóng (70 độ) vào trước để dừa ra hết chất béo rồi tiếp tục cho 500ml nước lạnh vào, trộn đều rồi dùng tay vắt lấy nước cốt để pha với bột bánh đúc. Nếu không có dừa nạo bạn dùng 400ml nước cốt dừa (1 lon) + 600ml nước lọc.

Hướng dẫn cách thực hiện

Bánh đúc nhân mặn là món ăn truyền thống gắn liền với tuổi thơ của biết bao nhiêu người. Dưới đây là hướng dẫn thực hiện:

Pha bột bánh đúc

Bạn cho bột gạo lọc + bột năng + 7g đường + 3g muối vào âu lớn. Sau đó, cho nước cốt dừa vào bột rồi khuấy đều cho đến khi bột tan. Nhìn chung, làm bột bánh đúc từ bột gạo tiện lợi hơn, nhưng làm bánh từ gạo ngâm xay nhuyễn thì bánh vẫn ngon hơn nhé.

Lược bột qua rây để bột mịn hơn, để bột nghỉ trong thời gian 15 phút.

Làm nước mắm

Cách làm nước mắm ăn bánh đúc mặn được thực hiện như sau:

Cho vào nửa chén nước sôi + 50g đường + 30g nước mắm + 7g dấm + ¼ muỗng cafe muối + ớt băm nhỏ hoặc thái lát (lượng nhiều hay ít tùy thuộc vào sở thích ăn cay). Khuấy đều cho đường tan.

Nước mắm chua ngọt - bí quyết giúp bánh đúc mặn ngon hơn 

Nước mắm chua ngọt – bí quyết giúp bánh đúc mặn ngon hơn 

Làm phần nhân bánh

Đầu tiên là sơ chế nguyên liệu:

  • Củ sắn bạn bóc vỏ, rửa sạch và thái hạt nhỏ. Thực hiện tương tự với nửa củ cà rốt.
  • Hành lá thái nhỏ.
  • Tôm khô ngâm nước 50 phút cho mềm (nước ấm) rồi xay hoặc băm nhuyễn tùy thuộc vào điều kiện.

Xào nhân

Đặt chảo lên bếp, cho vào 1 muỗng canh dầu màu điều (nếu không có thì thay thế bằng dầu ăn), phi thơm với hành tỏi băm nhuyễn. Khi đã có mùi thơm cho tôm khô vào rang cháy cho đến khi tôm khô thì tắt bếp.

Làm tôm chấy 

Làm tôm chấy 

Tiếp đến, đặt chảo khác lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu ăn và phi thơm với hành tỏi. Khi hành tỏi đã thơm thì cho củ sắn cùng với cà rốt vào xào cho chín. Nêm gia vị bằng ¼ muỗng cafe muối, ¼ muỗng cafe hạt nêm, ½ muỗng cafe đường, ½ muỗng tiêu rồi xào cho gia vị tan. Đảo trên bếp chừng 30s thì cho phần hành lá vào đảo đều một lần nữa, tắt bếp.

Hấp bột bánh đúc

Cho nước vào nồi hấp, bắt lên bếp để đun sôi nước.

Trong thời gian đó, bạn thoa dầu xung quanh lòng khuôn bánh đúc. Đặt khuôn vào nồi hấp, cho lửa lớn và thêm ½ lượng bột vào khuôn, đậy nắp và hấp trong thời gian 10 phút.

Sau đó, mở nắp và dùng phới lồng khuấy liên tục để bột mịn, dẻo, không còn lợn cợn thì cho số bột còn lại vào khuôn, phủ khăn trên miệng xửng hấp để nước không nhiễu vào bột. Hấp lửa trên trung bình ở 35 phút. Không hấp quá lâu vì như vậy bánh dễ bị nhão.

Kiểm tra bánh chín bằng cách dùng tăm xóc vào bột. Tăm không dính bột là bánh đã chín. Lấy bánh ra khỏi nồi hấp, để nguội mới thưởng thức.

Hấp chín bột bánh đúc 

Hấp chín bột bánh đúc 

Hoàn thành bánh và thưởng thức

Lấy bánh ra khỏi khuôn. Thoa dầu lên dao và cắt thành từng miếng vừa ăn. Bánh đúc mặn ăn kèm với nước mắm, hành phi, dưa chua, ngò rí, rau củ xào, tôm cháy. Bánh đúc giòn, dai ăn kèm với nhân, nhiều rau củ không hề ngán mà cực kỳ ngon. Đặc biệt hơn, nước mắm là yếu tố quyết định độ ngon của món bánh, bạn cần hết sức lưu trong việc pha nước chấm nhé!

Hoàn thành và thưởng thức bánh đúc tôm chấy ngon hết sẩy

Hoàn thành và thưởng thức bánh đúc tôm chấy ngon hết sẩy

Yêu cầu thành phẩm

Bánh đúc mặn là món bánh có hương vị thơm ngon, hấp dẫn mà ai cũng thích mê ngay trong lần thưởng thức đầu tiên. Mỗi miếng bánh mềm mịn, dẻo với độ dai giòn tạo một cảm giác lạ miệng. Phần nhân mặn thơm ngon được nêm nếm vừa ăn. Nước chấm ăn cùng giúp món bánh đúc mặn đậm đà hơn, không có vị gắt.

Những lưu ý cần nhớ khi làm bánh đúc mặn ngay tại nhà

Để có được những chiếc bánh đúc mặn ngon, bên cạnh áp dụng đúng công thức bạn cũng cần phải nắm ngay một số lưu ý sau:

  • Phần nhân mặn nên nêm nếm nhạt một chút khi ướp để sau khi hoàn thành bánh đúc ăn cùng nước mắm sẽ không bị mặn.
  • Bước trộn và khuấy bột đóng một vai trò vô cùng quan trọng nên bạn phải chú ý khuấy cho đều tay để cho hỗn hợp này hòa quyện đồng nhất với nhau. Bạn có thể kiểm tra bột đã đạt hay chưa bằng cách nhấc đũa hay muỗng lên thì thấy bột dính vào nhưng không phải dính dẻo mà dính theo kiểu bị đứt đoạn.
  • Khi bột bánh đúc mặn đã trộn quá đặc thì bạn chỉ cần thêm vào một chút nước là được. Một cách khác là thêm một ít dầu ăn vào rồi trộn đều là sẽ hoàn thành.

Như vậy là chúng ta vừa hoàn thành cách làm bánh đúc mặn ngon bá cháy rồi đấy. Món bánh dân dã mang hương vị gây thương nhớ này chiếm được cảm tình của nhiều người nên đến bây giờ bánh đúc mặn vẫn là món ăn ưa thích của nhiều người. Hi vọng chị em sẽ lưu lại công thức này để trổ tài chiêu đãi gia đình khi có dịp nhé!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây