Từ những nguyên liệu đơn giản cũng sự khéo léo của người làm đã tạo nên món ăn vô cùng ngon – đó là bánh đúc. Bánh đúc mặn miền Tây tuy dân dã nhưng chỉ một lần thưởng thức bạn sẽ nhớ mãi hương vị của món bánh này. Hãy cùng gợi nhớ hương vị bánh đúc miền Tây bằng cách vào bếp cùng thực hiện theo hướng dẫn dưới đây.
Nguyên liệu làm bánh đúc mặn miền Tây
Bánh đúc mặn miền Tây gồm 2 phần, phần bột bánh và phần nhân bánh. Dưới đây là chi tiết về nguyên liệu làm bánh:
Phần bột bánh
- Bột gạo lọc: 250g;
- Bột năng: 50g;
- Nước cốt dừa: 1 lít;
Lưu ý: Nếu thích ăn béo bạn có thể sử dụng nước cốt nguyên chất (Dừa nạo, thêm nước và vắt lấy nước cốt). Hoặc không thích béo nhiều thì gia giảm bằng cách pha loãng với nước lọc. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng nước cốt dừa lon không có quá nhiều thời gian làm nước cốt từ dừa nạo.
Phần nhân bánh
- Củ sắn: 1 củ;
- Cà rốt: 1 củ;
- Hành tím;
- Ngò rí;
- Thịt xay: 200g;
- Dầu màu điều;
- Gia vị cơ bản;
Bạn có thể sử dụng thêm tôm khô hoặc tôm tươi để giúp nhân bánh thêm đậm đà. Ngoài củ sắn, cà rốt chị em thay thế bằng hành tây, nấm hương hay nấm mèo đều được. Phần nhân bánh thực hiện không quá khó, tùy thuộc vào sở thích mà bạn chọn nguyên liệu cho phù hợp.
Hướng dẫn cách làm bánh đúc mặn chuẩn miền Tây
Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu cần thiết, chị em thực hiện theo các hướng dẫn được chia sẻ dưới đây:
Phần bột bánh
Chuẩn bị âu lớn, thêm vào âu bột gạo và bột năng, ½ muỗng cafe muối rồi trộn đều. Tiếp đến, thêm từ từ 1 lít nước cốt dừa vào bột đồng thời trộn liên tục để bột hòa tan hoàn toàn. Sau đó, rây cho hỗn hợp mịn, để bột nghỉ trong 10 phút.
Hấp bánh
Trong thời gian bột nghỉ bạn chuẩn bị nồi hấp, đun nước sôi. Thoa dầu vào lòng khuôn rồi trộn đều bột và đổ vào khuôn bánh một lớp. Đậy nắp và hấp cho lớp thứ nhất chín trong 10 phút, tiếp tục đổ thêm lớp bột còn lại, hấp 20 phút cho bánh chín hoàn toàn.
Kiểm tra bánh chín bằng cách dùng tăm xóc và bột, que tăm không dính bột nghĩa là bánh đã chín. Lấy bánh ra khỏi nồi hấp, để cho nguội.
Hấp chín bột bánh đúc
Phần nhân bánh
Đầu tiên, bạn sơ chế các nguyên liệu:
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch và thái hạt lựu nhỏ.
- Củ sắn thái nhỏ hạt lựu;
- Hành lá cắt nhỏ, hành tím cắt lát mỏng;
- Thịt heo xay hoặc băm nhuyễn.
Sơ chế các nguyên liệu của phần nhân bánh đúc
Xào nhân: Cho một ít dầu màu điều vào nồi, phi thơm với hành tím. Tiếp đến cho thịt bằm vào xào cho tơi, thịt chín tới thì cho củ sắn và cà rốt vào xào. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn, thêm một ít tiêu, rồi thêm ít hành lá cắt nhỏ, đảo đều cho hành chín để tạo màu xanh đẹp mắt.
Xào chín nhân bánh
Làm nước mắm chua ngọt
Cho vào nồi 200ml nước lọc + 50g nước mắm + 50g đường rồi đun trên lửa cho đường tan, nước mắm sôi. Sau đó bạn tắt bếp, cho vào tỏi và ớt băm nhuyễn cùng với nước cốt chanh là hoàn thành. Tùy thuộc vào sở thích ăn cay nhiều hay ít mà bạn điều chỉnh lượng ớt cho phù hợp.
Trình bày và thưởng thức
Bánh đúc sau khi để nguội thì thoa một ít dầu lên dao và cắt thành miếng nhỏ vừa ăn, cho ra đĩa, thêm nhân, ngò rí, hành phi (nếu có) và chan thêm nước mắm là thưởng thức. Bột bánh đúc ăn giòn nhưng có độ dai của bột năng, thơm vị nước cốt dừa, nhân thịt và rau củ hòa quyện cùng nước mắm chua ngọt đậm đà hương vị.
Thưởng thức bánh đúc mặn miền Tây
Lưu ý cần nhớ khi làm bánh đúc mặn miền Tây
Công thức làm bánh đúc mặn đơn giản và rất dễ áp dụng nhưng chỉ cần nắm một vài lưu ý sau sẽ giúp bạn hoàn thành món bánh này dễ dàng hơn:
- Phần nhân bánh chỉ nên tẩm ướp nhạt thôi để khi ăn cùng với nước chấm sẽ tạo nên hương vị hài hòa không bị mặn.
- Bước trộn và khuấy bột cũng phải thực hiện cho đều tay thì mới đảm bảo toàn bộ các khối bột được quện đều vào nhau. Nếu nhấc đũa hay muỗng lên mà thấy bột dính vào nhau, dính kiểu đứt đoạn tức là bột đã đạt.
- Trường hợp sau khi trộn bột lại quá đặc thì bạn có thể thêm chút nước hay một ít dầu ăn rồi đảo đều là được.
Nhìn chung cách làm bánh đúc mặn miền Tây rất đơn giản. Chị em có thể thực hiện thành công ngay từ lần đầu. Chị em hãy lưu lại công thức và có thời gian thì làm để mời các thành viên trong gia đình nhé!