Gợi nhớ hương vị xưa với cách làm bánh đúc truyền thống từ bột gạo

0
203

Bánh đúc là món ăn quen thuộc với người Việt. Món ăn dân giã này có thể ăn kèm với nhiều loại nước chấm khác nhau tạo nên hương vị rất riêng, đại diện cho nét văn hóa ẩm thực vùng miền. Cùng bài viết dưới đây học cách làm bánh đúc truyền thống từ bột gạo dễ thực hiện với nguyên liệu đơn giản nhất, có ngay trong căn bếp gia đình bạn.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

Để có món bánh đúc nguội truyền thống ngon, ăn hoài không chán bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu dưới đây:

  • Gạo tẻ: 250g;
  • Vôi ăn trầu: 1 thìa canh;
  • Lạc: 100g (tùy thích);
  • Dầu ăn: 50ml;

Lưu ý: Nếu làm bánh đúc từ bột gạo bạn chuẩn bị: 150 bột gạo, 100g bột năng. Bột năng giúp bánh dai giòn, ăn ngon hơn.

Hướng dẫn cách thực hiện

Làm món bánh đúc truyền thống không quá khó. Về cơ bản là gạo tẻ ngâm với nước vôi trong, xay nhuyễn và quấy trên lửa cho bột chín. Dưới đây là chi tiết cách thực hiện:

Bước 1. Bạn cho vôi ăn trầu vào 1.2 lít nước lọc. Khuấy liên tục cho đến khi vôi tan hoàn toàn, để vôi nghỉ đến khi vôi lắng xuống đáy, phần trên được nước vôi trong. Chắt lấy 1 lít nước vôi trong để sử dụng. Để chắc chắn hết cặn bạn lược phần nước vôi qua rây.

Lưu ý: Nếu bạn thích phần bánh ăn bùi và ngon hơn có thể quấy bánh đúc chung với lạc. Lạc cũng ngâm mềm qua đêm. Sau đó, luộc cho lạc mềm và quấy cùng với bột.

Bước 2. Gạo được vo sạch. Sau đó, cho 1 lít nước vôi trong đã gạn vào ngâm với gạo tẻ qua đêm hoặc cho đến khi dùng tay bóp nhẹ thấy hạt gạo bở, tơi ra là được. Sau đó, bạn chắt bỏ phần vôi tôi, rửa sạch gạo và cho vào tô gạo lượng nước bằng với lượng nước vôi đã chắt bỏ khi nãy ~ 1 lít nước.

Bước 3. Cho bột vào máy để xay nhuyễn, thu được hỗn hợp bột gạo. Để chắc chắn bột mịn, bạn nên lược bột qua rây trước khi quấy bánh. Thêm vào hỗn hợp 1 muỗng cafe muối để tạo vị mặn cho bánh, thêm đậm đà.

Đến bước này bạn sẽ thắc mắc nếu không làm bánh đúc với gạo xay nhuyễn mà từ bột gạo thì sẽ thực hiện như thế nào? Theo đó, bạn chuẩn bị 150g bột gạo + 100g bột năng + 1 muỗng cafe muối vào 1 lít nước. Khuấy đều cho đến khi các nguyên liệu hòa lẫn vào nhau và tốt hơn hết nên rây bột thật mịn, để bỏ phần bột vón cục, bánh ngon hơn. Sau đó, mang bột đi quấy như bước tiếp theo dưới đây. Lưu ý: Không cần dùng nước vôi trong, có thể quấy bột trực tiếp với nước lọc.

Quấy bột bánh đúc ban đầu ở lửa trung bình - lớn

Quấy bột bánh đúc ban đầu ở lửa trung bình – lớn

Bước 4. Bạn cho bột gạo tẻ đã xay vào nồi to, đế dày để quấy bánh. Bắc nồi bột lên bếp, để lửa ở mức trung bình – cao rồi dùng đũa/phới lồng khuấy liên tục theo một chiều để hỗn hợp bột không bị bén đáy nồi. Sau 5 phút hỗn hợp bột bắt đầu sệt, quấy cảm giác nặng tay thì bạn hạ lửa về mức thấp hơn. Lưu ý: Bột quấy càng đặc thì lửa càng phải hạ nhỏ để bột chín đều, không bị bén đáy.

Bước 5. Thời gian quấy bột dao động từ 35 – 40 phút. Bột càng đặc, quấy nặng tay nhưng bạn vẫn tiếp tục quấy cho đến khi ngả màu trắng đúc thì hạ lửa về mức nhỏ nhất. Cho vào hỗn hợp bột 50ml dầu ăn và 25ml dầu mè (nếu có). Trộn cho bột và dầu hòa quyện vào nhau.

Ở bước này, hỗn hợp bột vẫn hơi lổn nhổn, tách thành mảng, không được mịn. Đừng lo lắng mà hãy tiếp tục trộn bột sẽ mịn và đống nhất, dẻo kéo thành sợi. Nếu mùi bột còn sống, hỗn hợp quá đặc thì cho thêm nước để tiếp tục quấy cho bột chín. Lưu ý: Bạn nên cho lượng nước từ từ vào bột.

Hỗn hợp bột bánh đúc sau khi quấy

Hỗn hợp bột bánh đúc sau khi quấy

Như vậy là chúng ta vừa hoàn thành phần bột bánh đúc truyền thống từ bột gạo. Nếu bạn thích ăn bánh đúc nguội với lạc thì cho ra đĩa hoặc mâm có thoa một lớp dầu mỏng, dàn đều và để nguội là đã có thể thưởng thức. Bánh đúc lạc ăn kèm với nước tương bần cực kỳ hấp dẫn.

Bánh đúc lạc 

Bánh đúc lạc 

Hoặc bạn thích dùng bánh đúc nóng có thể múc bột ra chén, cho nhân lên trên bánh và rưới nước mắm, rau ăn kèm là hoàn thiện. Phần nhân bánh đúc mặn gồm thịt lợn xay vào chung với nấm mèo, nấm hương, hành tây,… tùy ý bạn.

Bánh đúc nóng nhân mặn

Bánh đúc nóng nhân mặn

Yêu cầu thành phẩm

Bánh đúc từ bột gạo sau khi chế biến xong phải có độ dẻo, mịn và mùi thơm thoang thoảng của gạo. Khi thưởng thức mỗi miếng bánh mang tới một hương vị ngọt, thanh. Nếu ăn cùng nước cốt dừa thì càng ngon hơn nữa đem lại độ ngọt, vị béo và bùi vô cùng hấp dẫn.

Một số điều cần nhớ khi làm bánh đúc truyền thống từ bột gạo

  • Nếu bạn lựa chọn loại bột gạo tự làm nên ngâm và thay nước để đảm bảo độ nở của bột giúp bạn mềm, không có mùi hôi, mốc của bột. Tuy nhiên, bạn phải luôn chú ý không được cho nước quá nhiều khi ngâm.
  • Nếu khẩu vị của bạn là những chiếc bánh đúc giòn thì hãy tăng lượng bột gạo lên. Ngược lại muốn bánh dẻo hơn nữa thì chỉ cần thêm bột năng vào là được.
  • Bánh đúc khi muốn cứng hơn thì bạn chỉ cần giảm bớt lượng nước lại.
  • Khi khuấy thấy bột bánh càng lúc càng đặc thì phải điều chỉnh ngọn lửa nhỏ lại nhé.
  • Bước khuấy bột nên sử dụng phới lồng để đảm bảo độ mịn tốt nhất của bột bánh đúc.

Trên đây là hướng dẫn cách làm bánh đúc truyền thống từ bột gạo mà bài viết này tổng hợp được. Bánh đúc là món ăn dân giã, đặc biệt thích hợp cho bữa sáng hoặc bữa lỡ. Chúc chị em thực hiện thành công với món ăn này nhé!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây