Cách làm bánh khúc truyền thống chuẩn ngon ngay tại nhà

0
164

Bánh khúc là món ăn được người miền Bắc dùng cho bữa sáng gia đình. Bánh hương vị thơm ngon, dinh dưỡng, màu sắc đẹp mắt mà cách làm lại thực hiện vô cùng đơn giản, nguyên liệu dễ tìm. Nào hãy cùng vào bếp học cách làm bánh khúc truyền thống theo hướng dẫn được bật mí dưới đây. 

Nguyên liệu làm bánh khúc truyền thống

Thành phần để làm bánh xôi khúc truyền thống khá đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu dưới đây:

  • Gạo nếp: 300g;
  • Bột nếp: 400g;
  • Đậu xanh: 200g;
  • Thịt ba chỉ nhiều mỡ hơn nạc: 300g;
  • Rau khúc: 250g hoặc bột lá khúc.
  • Gia vị cơ bản gồm hạt tiêu, hạt nêm, đường, muối;

Lưu ý: Nếu bạn không tìm mua được lá khúc có thể thay thế bằng rau cải hoặc mua bột lá khúc để làm bánh.

Chi tiết cách làm bánh khúc truyền thống

Với món xôi khúc truyền thống, bạn có thể thực hiện thành công ngay tại căn bếp gia đình. Nhìn chung, bánh không đòi hỏi nhiều kỹ thuật. Tham khảo cách làm dưới đây:

Chuẩn bị nguyên liệu

Bước 1. Ngâm qua đêm gạo nếp, đậu xanh cho mềm để khi làm bánh được nhanh hơn đồng thời gạo nếp nở đều, mềm. Sau đó, rửa sạch, để ráo phần đậu xanh và gạo nếp.

Bước 2. Đậu xanh bạn cho vào nồi hấp hoặc luộc chín với nước xâm xấp mặt đậu. Vì đậu đã được ngâm mềm nên thời gian luộc đậu nhanh chóng, khoảng 10 phút là đậu chín mềm. Bạn vớt ra, dùng vá tán cho đậu nhuyễn khoảng 90% là được.

Luộc chín đậu xanh trong 10 phút

Luộc chín đậu xanh trong 10 phút

Bước 3. Thịt ba chỉ rửa sạch, thái lát vừa ăn. Nêm nếm gia vị cho thịt gồm 1 muỗng cafe hạt nêm, 1 muỗng cafe đường rồi đảo đều. Để thịt ngấm gia vị trong 15 phút.

Bước 4. Rau khúc bạn rửa sạch, sau đó cho vào máy xay nhuyễn với 300ml nước. Sử dụng phần nước có xác rau để hòa với bột nếp.

Xay nhuyễn lá khúc với 300ml nước

Xay nhuyễn lá khúc với 300ml nước

Làm nhân bánh khúc

Đặt chảo chống dính lên bếp, để ở lửa trung bình lớn. Sau đó bạn cho thịt ba chỉ vào đảo đều cho đến khi thịt chín tới là được. Rắc một ít tiêu lên thịt. Lưu ý: Phần nhân bánh khúc phải đảm bảo khô thì bánh mới ngon, bạn không cần cho dầu ăn hay phi thơm với hành tím.

Đặt chảo lên bếp, thêm một chút dầu ăn và phi vàng phần hành tím. Vớt hành tím ra và trộn với đậu xanh đã tán nhuyễn cho thật đều. Sử dụng hành phi sẽ giúp nhân đậu xanh được thơm hơn.

Sau đó, lấy từng phần nhân đậu xanh tán nhuyễn, đặt thịt vào giữa rồi túm lại và vo nhân thành hình tròn. Thực hiện lần lượt cho đến khi hết nhân, chú ý nặn hình tròn nhân kích thước vừa phải.

Nặn nhân bánh khúc: Đậu xanh và thịt heo 

Nặn nhân bánh khúc: Đậu xanh và thịt heo 

Pha bột bánh khúc

Cho vào âu 400g bột nếp, thêm 250ml nước khúc xay + 1 muỗng cafe muối. Sau đó bạn đảo đều cho đến khi bột nếp hòa quyện với nước lá khúc. Nhào cho đến khi bột mịn, ở đây bột hơi khô nên mình sẽ cho thêm 50ml nước lá khúc.

Lưu ý: Lượng nước lá khúc phụ thuộc vào bột để lâu hay mới. Bột càng để lâu sẽ hút nước nhiều hơn. Bạn hãy linh hoạt điều chỉnh nhé, miễn đảm bảo bột không quá khô và không quá nhão là được.

Sau khi bột nhào đã đạt, bạn để bột nghỉ 30 phút.

Trộn bột nếp với nước lá khúc xay nhuyễn

Trộn bột nếp với nước lá khúc xay nhuyễn

Tạo hình cho bánh khúc

Khi bột ủ gần đủ thời gian, bạn hãy nhớ chuẩn bị xửng hấp, đun sôi nước trước nhé.Phần gạo nếp cho thêm ½ muỗng cafe muối, trộn đều.

Bột chia thành từng phần bằng nhau với số lượng tương ứng với lượng nhân. Ấn dẹp bột, dàn mỏng rồi cho nhân bánh khúc vào giữa, túm bột lại và vo thành hình tròn. Hoàn thành với số bột còn lại.

Lăn bánh khúc vừa mới tạo hình qua nếp để áo một lớp gạo nếp bên ngoài.

Tạo hình cho bánh khúc 

Tạo hình cho bánh khúc 

Hấp chín bánh khúc

Cho một lớp gạo nếp dàn đều trong xửng hấp, đặt từng bánh khúc đã áo một lớp gạo nếp vào xửng hấp và đặt bánh cách xa nhau. Phủ lớp bột gạo nếp còn lại lên trên bánh khúc là hoàn thành.

Phủ khăn lên miệng xửng hấp, để hơi nước không nhiễu vào gạo nếp. Đậy nắp và hấp ở lửa trung bình lớn từ 35 – 40 phút.

Hấp chín bánh khúc

Hấp chín bánh khúc

Lưu ý gì khi làm xôi khúc truyền thống?

Bên cạnh áp dụng đúng các bước trong công thức làm xôi khúc, bạn cũng cần phải nắm rõ một vài lưu ý sau:

  • Xôi khúc nếu chưa ăn nên được gói trong lá chuối để đảm bảo giữ nguyên vẹn truyền thống của món xôi này.
  • Xôi khúc chấm cùng vừng lạc là ngon nhất. Đây luôn là món khoái khẩu của rất nhiều thực khách ở mọi miền đất nước.
  • Nước hành phi rưới lên trên xôi tạo hương thơm béo ngậy, tăng thêm vị cho món xôi truyền thống.

Xôi khúc sau khi hấp chín áo một lớp gạo nếp trắng bên ngoài, màu vỏ bánh khúc xanh. Khi ăn bánh sẽ cảm nhận được độ dẻo của nếp và bột nếp hòa quyện cùng nhân đậu xanh, thịt lợn và mùi thơm của tiêu rất đậm đà. Chúc chị em thành công với cách làm xôi khúc truyền thống mà bài viết này chia sẻ nhé!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây